Giảm trào ngược dạ dày thực quản ở phụ nữ mang thai

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai. Tuy không nguy hiểm nhưng các tình trạng ợ nóng, đầy bụng khiến thai phụ cảm thấy khó chịu, ăn uống kém dẫn tới nguy cơ thai nhi bị thiếu dinh dưỡng. Điều trị trào ngược dạ dày ở phụ nữ mang thai chủ yếu là thay đổi chế độ ăn và lối sinh hoạt, cũng có thể sử dụng một số thuốc hỗ trợ.

trào ngược dạ dày thực quản ở phụ nữ mang thai
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai

Nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản ở mẹ bầu

Khi mang thai, nồng độ progesterone tăng, làm giảm trương lực van giữa dạ dày và thực quản, giãn cơ thắt thực quản (LES), cơ vòng thư giãn lâu hơn, làm tăng tần suất trào ngược dạ dày.

Ngoài ra, khi thai càng lớn lên sẽ chèn ép ruột và dạ dày, làm tăng áp lực lên dạ dày, đẩy acid dạ dày trào ngược lên.

nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản ở phụ nữ mang thai
Một số nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản ở phụ nữ mang thai

Ngoài ra còn một số yếu tố làm tăng nguy cơ như thừa cân, ăn quá nhiều, stress khi mang thai, mặc quần áo quá chật, ăn một số thực phẩm dễ gây trào ngược như như hành tây, sô cô la, bạc hà, thực phẩm giàu chất béo, thực phẩm cay.

Tần suất mới mắc GERD là tương đương nhau giữa 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kì. 

Các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản

Hai triệu chứng chính của trào ngược dạ dày thực quản ở phụ nữ có thai là ợ nóng và ợ chua. Một số biểu hiện khác như ho hoặc thở khò khè, buồn nôn, khàn giọng, có cảm giác khó nuốt không do thức ăn.

GERD ở phụ nữ mang thai thường tự lui sau khi sinh con và ít có biến chứng viêm thực quản.

Biện pháp không dùng thuốc phòng GERD ở phụ nữ mang thai

Điều chỉnh lối sống là biện pháp không dùng thuốc, an toàn cho thai nhi. Các biện pháp không dùng thuốc bao gồm:

  • Chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa chính
  • Ăn chậm, nhai kỹ
  • Tránh thức ăn chua cay, chiên xào nhiều dầu mỡ; thức uống chua, chocolate, cà phê; không hút thuốc lá
  • Uống ít nước trong lúc ăn
  • Không nằm ngay sau ăn, ăn tối cách lúc đi ngủ > 3 giờ
  • Kê đầu cao, đặt gối dưới vai, cách giường 15-20cm
  • Mặc quần áo rộng rãi
  • Tránh táo bón
Chia thành nhiều bữa ăn trong ngày
Chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa chính

Một số thuốc có thể sử dụng điều trị GERD ở phụ nữ mang thai

Việc sử dụng bất cứ thuốc nào trong thai kì cũng đều cần được chỉ định của bác sĩ và cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Một số thuốc chống trào ngược được sử dụng ở phụ nữ mang thai:

  • Antacid có chứa muối nhôm, magie, canxi: Hầu hết an toàn khi sử dụng trong thai kỳ và phòng ngừa viêm phổi hít trong lúc chuyển dạ. Tuy nhiên muối magie không sử dụng lâu dài và liều cao vì có nguy cơ gây sỏi thận, giảm trương lực, suy hô hấp, suy tuần hoàn thai nhi.
  • Sucralfate và Alginate sử dụng an toàn và hiệu quả vì ít hấp thu qua đường tiêu hoá.
  • Các thuốc ức chế thụ thể H2 (H2RA): Ranitidine là thuốc tương đối hiệu quả nhất trong nhóm H2RA được sử dụng trong thai kì. Famotidine còn ít dữ kiện về an toàn trên người. Nizatidine không khuyến cáo sử dụng trong thai kì vì trên động vật có sẩy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh và còn ít dữ kiện trên người.
  • PPIs là thuốc hiệu quả và an toàn được chỉ định trong các trường hợp nặng nhưng cần cân nhắc khi sử dụng.

Đa số các mẹ bầu bị trào ngược khi mang thai lần đầu thì có thể tiếp tục tái phát trong lần mang thai tiếp theo, nhưng các triệu chứng sẽ tự biến mất sau khi sinh em bé. Bệnh sinh liên quan nhiều yếu tố, trong đó thay đổi hormone và tăng trưởng thai nhi là các yếu tố chính. 

Việc điều trị GERD ở phụ nữ mang thai là một thử thách, cần cân nhắc giữa lợi hại và tuân thủ các khuyến cáo. GERD nhẹ nên bắt đầu từ những biện pháp không dùng thuốc, an toàn và không ảnh hưởng tới thai nhi, lại tốt cho sức khoẻ của mẹ và bé.

Nguồn:Hội nghị sản phụ khoa Việt-Pháp-Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 19, “Điều trị hiệu quả bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)ở phụ nữ mang thai”, PGS.TS.BS. Bùi Hữu Hoàng.

741 lượt đọc

Notice: Undefined index: fb_enable in /home/mypharma/public_html/wp-content/themes/gloria/templates/comments.php on line 15

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *