Thực phẩm chức năng cho người rối loạn mỡ máu

Rối loạn mỡ máu hiện đang là một bệnh phổ biến trên Việt Nam cũng như thế giới, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý tim mạch, đột quỵ, viêm tuỵ….Thay đổi lối sống hay chế độ ăn vẫn luôn được nhấn mạnh ở các bệnh nhân để giảm nguy cơ tim mạch. Nhiều thực phẩm chức năng và các sản phẩm tự nhiên đã được nghiên cứu có tác dụng tiềm năng giảm lipid máu.

Rối loạn mỡ máu

Rối loạn mỡ máu là tình trạng nồng độ chất béo trong máu quá cao hay quá thấp. Bệnh thường biểu hiện qua tăng nồng độ lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL hay cholesterol xấu); giảm nồng độ lipoprotein tỉ trọng cao (HDL – cholesterol hay cholesterol tốt); tăng nồng độ triglyceride.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra rối loạn lipid máu nguyên phát. Các bệnh nhân bị rối loạn lipid máu nguyên phát chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cộng đồng, thường phát hiện từ trước lứa tuổi thiếu niên, trong gia đình có nhiều người mắc bệnh cùng lúc. Đây là yếu tố gây ra nhiều bệnh lý tim mạch nặng nề từ rất sớm, tuổi thọ bị hạn chế.

Rối loạn lipid máu thứ phát là do yếu tố lối sống hoặc điều kiện y tế ảnh hưởng đến mức lipid trong máu. Đây là dạng gặp chủ yếu trong đời sống, tỷ lệ ngày càng tăng dần và trở nên trẻ hóa. Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh: chế độ ăn thiếu lành mạnh, thừa cân, hút thuốc lá, tuổi cao, mắc một số bệnh lý chuyển hoá khác…

Tại sao rồi loạn mỡ máu gây nguy hiểm?

Tăng cholesterol máu đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được đối với các bệnh tim mạch (bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch mãu não). Thông thường có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch đi kèm nhau và thúc đẩy nhau tiến triển. Khi bạn có nhiều yếu tố nguy cơ kết hợp sẽ làm nguy cơ bệnh tim mạch tăng lên gấp nhiều lần.

Khi có quá nhiều LDL cholesterol lưu thông trong máu của bạn, nó sẽ từ từ lắng đọng vào thành các mạch máu của bạn. Cùng với một số chất khác, nó sẽ hình thành mảng xơ vữa động mạch và làm long mạch của bạn bị hẹp dần hoặc tắc hoàn toàn.

Xơ vữa động mạch là thuật ngữ được dùng để mô tả quá trình lắng đọng các chất béo, cholesterol, sản phẩm thoái giáng của tế bào, lắng đọng calci và sợi đông máu (fibrin) ở trong thành động mạch.


Các thực phẩm chức năng cho người rối loạn mỡ máu

Chất xơ

Chất xơ hoà tan được tìm thấy trong yến mạch, lúa mạch, có khả năng liên kết với cholesterol và acid mật, ức chế chúng hấp thu tại ruột và tăng thải trừ qua phân.

Sterol thực vật

Sterol thực vật, hoặc phytosterol, là các hợp chất steroid được tìm thấy trong thực vật và có cấu trúc tương tự như cholesterol. Sterol thực vật cạnh tranh với cholesterol có nguồn gốc động vật để hấp thụ vào các micell trong đường tiêu hóa. Sterol chỉ có mặt ở rất ít trong các thực vật, nguồn chính là từ các thực phẩm chức năng có bổ sung sterol thực vật.

Acid béo omega-3

Dầu cá rất giàu acid béo không bão hoà omega-3 (EPA và DHA). Các phân tích tổng hợp cho thấy tác dụng hạ triglyceride, tăng nhẹ cholesterol LDL của dầu cá, đặc biệt ở những người tăng triglyceride máu. Dầu nhuyển thể (krill oil) là dầu chiết xuất từ con nhuyễn thể ở Nam Cực, có tỷ lệ EPA so với DHA cao hơn trong dầu cá và hầu hết EPA, DHA trong dầu nhuyễn thể dạng phospholipid có sinh khả dụng cao hơn. Do vậy liều thấp hơn ở dầu nhuyễn thể có thể tạo ra tác dụng hạ triglyceride máu tương đương với liều cao dầu cá. Các nghiên cứu cũng chỉ ra tác dụng bảo vệ tim mạch của omega-3.

Gạo lên men đỏ

Gạo men lên đỏ được sản xuất bằng cách lên men gạo bởi Monascus purpureus, một loài nấm mốc. Thành phần có hoạt tính, monacolin K, là thuốc statin đầu tiên được phân lập và được phê duyệt để điều trị cholesterol cao. Lovastatin làm giảm cholesterol bằng cách ức chế men HMG-CoA, một enzyme có chức năng sinh tổng hợp cholesterol ở gan. Gạo lên men đỏ được quy định là một loại thuốc ở Hoa Kỳ, và bất kỳ một sản phẩm không kê đơn có chứa gạo lên men đỏ thì không thể chứa statin. Ở các nước khác, gạo lên men đỏ được quy định như một chất bổ sung và có thể mua không cần kê đơn. Gạo lên men đỏ chứa lovastatin đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm mức độ cholesterol LDL 20-30% (tương ứng với liều thấp statin) và triglyceride 10-20%.

Tỏi

Tỏi cũng là thực phẩm được bổ sung phổ biến ở những người mắc bệnh tim mạch, có thể qua các hình thức: bột tỏi, allicin, dầu tỏi. Nghiên cứu có sẵn cho thấy tỏi có thể làm giảm cholesterol thông qua ức chế HMG-CoA reductase. Ngoài ra tỏi cũng có tác dụng chống viêm và chống oxy hoá, có thể có vai trò trong điều chỉnh nguy cơ tim mạch. Tuy nhiên tỏi cũng chứa thành phần có tính chất kháng tiểu cầu, do đó sử dụng cẩn trọng ở những người đang dùng thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu.

Trà xanh

Trà xanh rất phổ biến và chắc cũng nhiều người biết tới tác dụng của nó. Trà xanh chứa catechin, chất có tác dụng giảm cholesterol rõ rệt trong một số phân tích meta. Ngoài ra catechin là chất chống oxy hoá mạnh mẽ, ngăn chặn quá trình oxy hoá LDL.

Nghệ

Nghệ thường được sử dụng rộng rãi làm gia vị tạo màu và hương liệu trong chế biến các món ăn. Các nghiên cứu cho thấy hầu hết các tác dụng của nghệ đều liên quan tới thành phần chính là curcumin với hoạt tính kháng viêm, kháng khuẩn, chống oxy hoá, phòng chống ung thư, tiểu đường và một số bệnh mãn tính. Nghệ có tác dụng bảo vệ tim mạch thông qua hoạt động chống oxy hoá. Ngoài ra sử dụng nghệ làm giảm sự hình thành loét do căng thẳng, uống rượu và co thắt ống môn vị.

Đậu nành

Protein từ đậu nành có tác dụng giảm cholesterol do giảm tiêu thụ chất béo bão hoà và nhờ các thành phần có hoạt tính ở trong. Isoflavon trong đậu nành là phyto-oesterol và có tác dụng oesterol trong cơ thể. Estrogen có khả năng tăng HDL-cholesterol và giảm LDL-cholesterol. Tuy nhiên cơ chế hoạt động của protein đậu nành là thay đổi sự biểu hiện gen được điều hoà bởi các protein liên kết với yếu tố điều hoà sterol. Các nghiên cứu quan sát chỉ ra rằng, có sự giảm nguy cơ bệnh tim mạch liên quan tới việc hấp thụ nhiều protein đậu nành ở cả nam và nữ.

Để có hiệu quả tốt nhất, mọi người nên kết hợp chế độ sinh hoạt, luyện tập và cân bằng chế độ ăn hàng ngày. Việc thay đổi lối sống vẫn luôn được khuyến cáo trước khi sử dụng thuốc ở những người mới bị rối loạn mỡ máu.

Tham khảo: Hunter, P. M., & Hegele, R. A. (2017). Functional foods and dietary supplements for the management of dyslipidaemia. Nature Reviews Endocrinology, 13(5), 278–288.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *